Trong nững năm qua, Công ty Điện lực Hưng Yên (PC Hưng Yên) đã luôn luôn đẩy mạnh triển khai, ứng dụng các công nghệ mới phục vụ công tác sản xuất kinh doanh (SXKD) của Công ty. Trong tháng 7, thực hiện theo chỉ đạo của Tổng công ty Điện lực miền Bắc về việc triển khai chính thức App kiểm tra giám sát mua bán điện (KTGSMBĐ) hiện trường, Công ty Điện lực Hưng Yên đã phối hợp Công ty Công nghệ Thông tin Điện lực miền Bắc tổ chức lớp đào tạo, tập huấn triển khai phần mềm ứng dụng hiện trường KTGSMBĐ trên máy tính bảng tới 65 học viên là chuyên viên các phòng KTGSMBĐ, Công nghệ thông tin (CNTT), kinh doanh (KD) và nhân viên CNTT, kiểm tra viên các Điện lực.
Tập huấn App CMIS Mobile tại PC Hưng Yên
App KTGSMBĐ sử dụng hệ điều hành Android phục vụ kiểm tra viên thực hiện lập biên bản kiểm tra sử dụng điện trên máy tính bảng. Công tác KTGSMBĐ xuất phát từ yêu cầu của khách hàng hay yêu cầu kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất của điện lực, bộ phận kiểm tra giám sát (KTGS) của đơn vị thực hiện lập yêu cầu KTGSMBĐ trên chương trình CMIS 3.0, cán bộ có trách nhiệm sẽ phân bổ yêu cầu cho kiểm tra viên trực tiếp kiểm tra tại hiện trường. Trên cơ sở các yêu cầu được phân công, kiểm tra viên sử dụng máy tính bảng ngoài hiện trường đồng bộ các yêu cầu được phân công về máy tính bảng và thực hiện ghi nhận nghiệp vụ KTGSMBĐ. Sau khi hoàn thành việc lập biên bản kiểm tra sử dụng điện chương trình thực hiện hỗ trợ ký trực tiếp qua mã OTP bằng số điện thoại của cá nhân và được lưu trữ điện tử thuận tiện cho việc tra cứu khi cần.

Kiểm tra viên kiểm tra tại hiện trường
Việc đưa ứng dụng App KTGSMBĐ vào thực hiện nhiệm vụ SXKD là một trong những bước tiến trên hành trình chuyển đổi số, tạo thuận lợi khách hàng sử dụng điện cũng như kiểm tra viên Điện lực trong công tác kiểm tra giám sát mua bán điện. Đồng thời, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp trong cung cấp dịch vụ điện của ngành Điện, giảm thời gian thực hiện và tạo trải nghiệm số hóa cho khách hàng sử dụng điện qua hình thức ký số OTP. Theo đó, đã đảm bảo sự liên kết chặt chẽ của các chu trình công việc, giảm thiểu tối đa thời gian, nhân công và thiết bị, vật tư theo lối thủ công như trước kia, vận dụng tối đa nhưng có sự chọn lọc và mang lại hiệu quả thiết thực của việc chuyển đổi số, đảm bảo sự tập trung và chuẩn hóa thông tin dữ liệu. Qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng năng suất lao động và đáp ứng các yêu cầu của công tác kiểm tra, giám sát, vận hành và quản trị doanh nghiệp, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu SXKD của các đơn vị nói riêng, và của Công ty Điện lực Hưng Yên nói chung.
Lưu Thị Mai - PC Hưng Yên